Cách chọn mua Nas phù hợp

  • 02/12/2016
  • 1408

Hiện nay, thiết bị lưu trữ qua mạng NAS (Network attached storage) khá phổ biến trên thị trường và đang dần trở thành thiết bị "cần có" với người dùng cá nhân, doanh nghiệp. Ngoài khả năng lưu trữ dữ liệu, NAS giờ đây còn được trang bị rất nhiều tính năng hữu ích khác như máy chủ FTP, máy chủ đa phương tiện, ghi và lưu trữ hình ảnh, phim, tải dữ liệu tự động,…

Tuy nhiên, giữa "rừng" thương hiệu, cùng "hàng tá" tính năng, có lẽ bạn sẽ bối rối khi quyết định chọn mua thiết bị NAS phù hợp nhu cầu. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách chọn mua thiết bị NAS theo nhu cầu, và giới thiệu một số giải pháp ứng dụng với thiết bị NAS. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ hướng đến 3 đối tượng chính: người dùng gia đình, những người yêu thích phim ảnh, âm nhạc và các văn phòng, trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Trước khi quyết định chọn mua thiết bị NAS, bạn cần xác định rõ nhu cầu thật sự của mình là gì, chẳng hạn mua để làm gì, phục vụ cho những ai,… bước tiếp theo bạn chọn thương hiệu và tìm kiếm sản phẩm phù hợp.

Hướng dẫn cài đặt Nas Synology

Xem xét nhu cầu

Thiết bị NAS giờ đây được trang bị rất nhiều chức năng, vì vậy nếu bạn không xác định rõ nhu cầu thật sự của mình, có thể bạn sẽ bị "lóa mắt" và chọn sản phẩm vượt quá nhu cầu, nghĩa là phải trả tiền cho các chức năng ít khi dùng đến.

Người dùng gia đình

Bạn cần thiết bị lưu trữ dữ liệu NAS phù hợp túi tiền, đáp ứng nhu cầu sao lưu, khôi phục dữ liệu hay chia sẻ tập tin giữa các thành viên trong gia đình. Bạn thường truy cập Internet để "lướt" web, kiểm tra email. Bạn không có nhu cầu lưu trữ và xem phim ảnh, âm nhạc trong mạng nội bộ.

Lời khuyên: bạn nên chọn thiết bị NAS có các tính năng chính như lập lịch sao lưu tự động, chia sẻ máy in, máy chủ tập tin (FTP server hay Web file server).

Người yêu phim ảnh, âm nhạc

Ngoài nhu cầu lưu trữ, sao lưu, chia sẻ dữ liệu, bạn còn muốn thưởng thức phim, nhạc, hình ảnh (lưu trong thiết bị NAS) trên máy tính, TV có kết nối mạng nội bộ,…

Lời khuyên: bạn nên chọn thiết bị NAS có các tính năng chính như lập lịch sao lưu tự động, chia sẻ máy in, máy chủ đa phương tiện (media server).

Văn phòng, trung tâm ngoại ngữ, tin học

Bạn có nhu cầu truy cập dữ liệu liên tục. Các dữ liệu lưu trữ cần đảm bảo sao lưu và khôi phục nhanh. Nếu ổ đĩa cứng bị lỗi, thiết bị NAS phải cho phép thay "nóng" đĩa cứng và khôi phục nhanh dữ liệu. Bạn cũng cần nhiều không gian lưu trữ lớn.

Lời khuyên: bạn nên chọn thiết bị NAS có các tính năng chính như lập lịch sao lưu tự động, chia sẻ máy in, cổng giao tiếp mạng Gigabit, sao lưu và bảo vệ dữ liệu RAID 5.

Tìm và chọn NAS phù hợp

Hiện trên thị trường có khá nhiều thương hiệu NAS như Buffalo, D-Link, Edimax, LaCie, Linksys, Qnap, Synology, Zyxel,… Mỗi thương hiệu có nhiều dòng sản phẩm khác nhau tương ứng với từng đối tượng người dùng, mục đích sử dụng. Tùy sự cảm nhận và tham khảo từ Internet, người quen, các chuyên viên kỹ thuật,… mà bạn sẽ quyết định chọn thương hiệu.

Lời khuyên là bạn nên chọn từ 2 đến 4 thương hiệu, sau đó tìm kiếm sản phẩm có chức năng phù hợp nhu cầu và so sánh (ở mức tương đối) giữa các thương hiệu. Chú ý đến các chi tiết kỹ thuật như mức tiếng ồn của quạt làm mát gắn trong thiết bị NAS, số khoang chứa đĩa cứng, kích thước đĩa cứng (chuẩn 2,5" hay 3,5"), có kèm đĩa cứng hay không, giao diện quản trị thiết bị,…

Ngoài giá cả và chức năng của thiết bị, bạn cũng nên quan tâm đến các chế độ bảo hành, mức độ hỗ trợ kỹ thuật, việc dễ tìm mua sản phẩm trên thị trường,…

Thông số và chức năng cần biết

Dù nhu cầu nào thì bạn nên biết các thông số và chức năng trên NAS.

Sao lưu tự động (Automatic backup): thiết bị NAS sẽ tự động sao lưu dữ liệu theo thời gian bạn thiết lập, giúp đảm bảo an toàn dữ liệu.

Chia sẻ máy in (Printer sharing): giúp bạn dễ dàng chia sẻ máy in cho nhiều người dùng trong mạng nội bộ; nên chọn NAS trang bị cổng USB thuận tiện hơn khi kết nối và chia sẻ.

Máy chủ tập tin (FTP Server, Web file server): bạn không những có thể quản lý, chia sẻ dữ liệu trong mạng nội bộ mà còn có thể truy cập dữ liệu lưu trữ trên NAS từ Internet.

Máy chủ đa phương tiện (Media server): cho phép bạn dễ dàng xem phim, ảnh, nghe nhạc lưu trữ trong NAS bằng máy tính, TV nối mạng. Muốn vậy, thiết bị NAS cần hỗ trợ một trong các công nghệ: DLNA (Digital Living Network Alliance), Apple iTunes Server, Logitech SqueezeCenter, SMB (Samba) Support, UPnP AV Server,… và ngược lại, trình xem phim, nghe nhạc trên máy tính, TV nối mạng và các thiết bị khác cũng phải hỗ trợ các công nghệ này.

Cổng mạng Gigabit: Kết nối mạng có dây tốc độ này giúp truyền tải dữ liệu nhanh hơn, đảm bảo nhu cầu truy xuất dữ liệu liên tục, thông suốt hơn hẵn kết nối mạng không dây dễ bị gián đoạn do các tác nhân gây nhiễu.

Sao lưu và bảo vệ dữ liệu RAID 5: đảm bảo dữ liệu của bạn an toàn ngay cả khi ổ đĩa cứng bị lỗi. Hiện trên thị trường có khá nhiều thiết bị NAS hỗ trợ RAID 1, RAID 5.

RAID 1 yêu cầu ít nhất 2 đĩa cứng, nhưng dung lượng lưu trữ chỉ bằng dung lượng của 1 đĩa cứng, ví dụ 2 đĩa cứng 250GB có dung lượng lưu trữ chỉ 250GB, vì dữ liệu sẽ sao lưu giống nhau trên cả 2 đĩa cứng phòng trường hợp một đĩa cứng hư.

RAID 5 yêu cầu tối thiểu 3 đĩa cứng nhưng dung lượng lưu trữ chỉ bằng dung lượng của 2 đĩa cứng; ví dụ, 3 đĩa cứng 80GB có dung lượng lưu trữ chỉ khoảng 160GB. Dữ liệu sao lưu RAID 5 sẽ được phân bố lên tất cả đĩa cứng, giúp đảm bảo tốc độ truy xuất và mức an toàn dữ liệu cao.

Gắn "nóng" đĩa cứng (hot-swappable drives): bạn không cần tắt thiết bị NAS khi thay đĩa cứng hư. Điều này giúp các hoạt động truy xuất dữ liệu trên NAS không bị gián đoạn. Chú ý, một số thiết bị NAS buộc bạn phải tháo vỏ (case) bảo vệ khi muốn thay đĩa cứng, việc này có liên quan đến các chế độ bảo hành thiết bị. Vì vậy hãy chọn thiết bị NAS hỗ trợ gắn "nóng" và có khay tháo lắp nhanh ổ cứng.

Dung lượng lưu trữ tối đa (Max Internal Capacity): khả năng hỗ trợ tối đa dung lượng đĩa cứng gắn trong tùy dòng sản phẩm và hãng sản xuất. Để mua thiết bị NAS phù hợp túi tiền và vẫn đáp ứng nhu cầu lưu trữ trong tương lai, bạn hãy nhân 3 lần dung lượng dữ liệu lưu trữ hiện tại của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thường lưu trữ phim, đặc biệt phim độ nét cao HD thì cần tính toán dung lượng phù hợp vì chúng chiếm không gian lưu trữ lớn hơn nhiều so với các dạng tập tin khác.

Ngoài các chức năng cần quan tâm trên, bạn có thể lựa chọn các chức năng "gia tăng" khác mà thiết bị NAS cung cấp như: ghi và lưu trữ hình ảnh từ camera, tải dữ liệu tự động từ các trang chia sẻ ngang hàng, máy chủ mail v.v.

Một số ứng dụng với NAS

Lưu và truy cập dữ liệu từ xa: thay vì sử dụng các dịch vụ lưu trữ trên mây như Dropbox, Windows Live SkyDrive, với thiết bị NAS "tại gia", bạn hoàn toàn kiểm soát dữ liệu của mình, chủ động quản lý, cấp quyền truy cập cho người thân và các thành viên gia đình, công ty.

Sao lưu và giám sátcamera: Thiết bị NAS hỗ trợ chức năng giám sát IP Camera (IP camera surveillance) cho phép quản lý, điều khiển và ghi hình (video) từ IP Camera. Ưu điểm của giải pháp kết hợp NAS và IP Camera là bạn tận dụng hết khả năng của NAS như lưu trữ dữ liệu liên tục với dung lượng lớn, hiệu suất cao, sao lưu dự phòng, chia sẻ dữ liệu, lập lịch biểu, quản lý tập trung… mà không cần dùng máy tính để ghi hình (video) từ IP Camera.

Tin mới cập nhật

Bình luận
  • 0 Bình luận

    commentor

Đang xử lý...

Chúc mừng bạn đã đăng ký thành công ! Đăng nhập Đóng